COVID - 19 CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TIM NHƯ THẾ NÀO?

COVID – 19 có thể ảnh hưởng đến tim không là câu hỏi thường được đặt ra ở những bệnh nhân mắc phải bệnh này, đặc biệt là ở người lớn tuổi hoặc đã có bệnh tim từ trước. Câu trả lời là có, mặc dù COVID – 19 là bệnh của đường hô hấp, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến tim.


Các báo cáo từ Trung Quốc và Italy (2 quốc gia có COVID-19 sớm trong đại dịch) cho thấy cứ 5 người mắc COVID – 19 sẽ có 1 người có vấn đề về tim (20%). Suy tim cũng là một nguyên nhân tử vong của bệnh nhân COVID – 19, kể cả ở những bệnh nhân không có vấn đề về hô hấp như Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS)

Vì sao bệnh hô hấp như COVID – 19 lại có thể gây tổn thương tim?

Các tế bào của tim và phổi đều được bao phủ bởi các phân tử protein được gọi là Angiotensin-converting enzyme 2, hay còn gọi là ACE-2. Chính protein ACE-2 là cánh cửa để COVID – 19 xâm nhập vào tế bào và nhân lên.

ACE-2 đóng vai trò quan trọng là bảo vệ mô và tế bào thông qua cơ chế kháng viêm. Virus SARS - CoV-2 có thể bất hoạt các phân tử này, làm cho các tế bào không còn được bảo vệ khi hệ thống miễn dịch được kích hoạt. Có nhiều cơ chế gây tổn thương tim trong COVID – 19, và mỗi bệnh nhân có thể có những cơ chế khác nhau:

  • Thiếu Oxy: Khi virus gây hiện tượng viêm và làm các phế nang trao đổi khí bị mất chức năng (xuất hiện dịch trong phế nang). Vì vậy, lượng Oxy trong máu giảm, tim phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ nhu cầu của cơ thể, điều này nguy hiểm hơn đối với các bệnh nhân mắc bệnh tim nền trước đây. Hậu quả là tim có thể bị suy do quá tải hoặc thiếu Oxy cho mô cơ tim dẫn đến chết tế bào cơ tim và tổn thương mô cơ tim.
  • Viêm cơ tim: Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công trực tiếp vào tế bào cơ tim và làm tổn thương tế  bào, tương tự như nhiễm các loại virus khác, trong đó có 1 số chủng virus cúm thông thường. Tim cũng có thể bị tổn thương do chính hệ miễn dịch của cơ thể (bệnh tự miễn)
  • Bệnh cơ tim do stress: Khi cơ thể nhiễm virus, cơ thể bị stress và phóng thích ra một số chất, trong đó có các catecholamines, các chất này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Đối với loại bệnh này, khi cơ thể khỏe mạnh trở lại thì tim có thể phục hồi bình thường

Hình: Cơ chế tác động của SARS - CoV - 2
(Nguồn: https://royalsocietypublishing.org/doi/10.1098/rsfs.2021.0006)

 Bão Cytokine: Biến chứng nghiêm trọng của COVID – 19

Đây là hiện tượng khi cơ thể đáp ứng miễn dịch chống lại COVID – 19 quá mức dẫn đến tổn thương những tế bào, mô bình thường.  Khi cơ thể phản ứng với sự xâm nhập của virus, nó tiết ra một lượng lớn những protein có tên gọi là cytokine, các protein này giúp tế bào liên hệ với nhau và chống lại bệnh tật.

Ở một số bệnh nhân, cơ chế bình thường này bị khuếch đại, và được gọi là cơn bão Cytokine. Trong bão cytokine, đáp ứng miễn dịch có thể làm hại cơ thể, phá hủy mô lành và gây tổn thương tạng như thận, gan và tim.

Bão cytokine có thể gây tổn thương tim, gây ra rối loạn nhịp tim. Một số rối loạn nhịp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

COVID – 19 có thể có biểu hiện giống như nhồi máu cơ tim không?

COVID – 19 có thể gây triệu chứng gần giống nhồi máu cơ tim, bao gồm đau ngực, khó thở và thay đổi trên siêu âm tim hoặc điện tâm đồ. Một số báo cáo cho thấy khi những bệnh nhân này được chụp mạch vành thì hệ mạch vành bình thường.

Triệu chứng của viêm cơ tim cũng có thể tương đối giống nhồi máu cơ tim cấp. Bên cạnh đó, nhiễm virus như COVID – 19 có thể gây hình thành các cục máu đông nhỏ và gây tắc các mạch vành nhỏ ở phía xa. Trước dịch COVID – 19, các bệnh nhân có triệu chứng tương tự thường được đưa thẳng vào phòng thông tim để chụp mạch vành. Trong giai đoạn hiện nay, các bác sĩ cấp cứu và tim mạch can thiệp thường phải loại trừ các yếu tố do COVID – 19 trước và thực hiện thêm 1 số xét nghiệm chuyên biệt. Thông tim, chụp mạch vành ở bệnh nhân triệu chứng gây ra do COVID – 19 không giải quyết được vấn đề, ngược lại có thể làm tăng nguy cơ cho bệnh nhân và cả bác sĩ (nguy cơ lây nhiễm). Tuy vậy, ngay trong đại dịch, nhồi máu cơ tim vẫn xảy ra, chính vì vậy bệnh nhân nên đi cấp cứu khi có những triệu chứng nghi ngờ chứ không tự theo dõi và điều trị tại nhà. Chậm trễ trong cấp cứu điều trị nhồi máu cơ tim cấp có thể dẫn đến những biến chứng nặng trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.

Nếu tôi bị COVID – 19, tôi có cần khám bác sĩ tim mạch không?

Đối với bệnh nhân có bệnh tim nền, cần liên hệ chặt chẽ với bác sĩ tim mạch đang theo dõi bệnh để điều chỉnh thuốc phù hợp cũng như theo dõi các dấu hiệu nặng lên của bệnh để có thể nhập viện kịp thời. Sau khi khỏi COVID – 19, các bệnh nhân này cần tiếp tục theo dõi và xét nghiệm khi cần để sớm phát hiện các biến chứng tim của bệnh.

Đối với bệnh nhân không có bệnh tim nền, chỉ cần kiểm tra lại sức khỏe tim mạch khi có các triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực, khó thở kéo dài sau khi khỏi COVID – 19, vì các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của tổn thương tim, phổi do COVID – 19 và cần được phát hiện cũng như điều trị kịp thời. Các phương tiện để chẩn đoán bao gồm khám bệnh nhân, điện tim, siêu âm tim, MRI tim (khi có chỉ định).

Nguồn: Johns Hopkins Medicine

 

Comments