PHẪU THUẬT THAY VAN ĐỘNG MẠCH CHỦ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Tim là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể, có 4 buồng và được chia thành hai bên, tim bên trái giúp bơm máu giàu Oxy (máu động mạch) đi nuôi các cơ quan và tim bên phải bơm máu nghèo Oxy (máu tĩnh mạch) lên phổi để trao đổi khí. Để đảm bảo giòng máu đi theo một chiều nhất định, tim có chứa các van chống trào ngược, mỗi bên của tim có 2 van. Tim trái có van hai lá và van động mạch chủ, tim phải có van 3 lá và van động mạch phổi. Van động mạch chủ ngăn cách giữa tâm thất trái và động mạch chủ, mạch máu lớn nhất dẫn máu đi nuôi cơ thể. Van giúp dòng máu không chảy ngược về tâm thất trái khi tim giãn ra để nhận máu về (thời kì tâm trương)

 
Hình 1: Van ĐMC mở trong thì tâm thu (bên trái) và đóng trong thời kì tâm trương (bên phải)

Bạn có thể được bác sĩ phẫu thuật tim tư vấn thay van động mạch chủ khi:
- Hở van động mạch chủ: Van động mạch chủ đóng không kín làm dòng máu chảy ngược xuống tâm thất trái khi tim giãn ra (thì tâm trương) .
- Hẹp van động mạch chủ: Van động mạch chủ mở không trọn vẹn làm hạn chế dòng máu đi nuôi cơ thể.


Hình 2: Hẹp van động mạch chủ (trái) và hở van động mạch chủ (phải)

Phẫu thuật van động mạch chủ có thể được thực hiện qua các đường mổ:
- Đường mổ kinh điển: Đường mở ngực giữa xương ức.
- Đường mổ ít xâm lấn: Đường mở ngực ở liên sườn 2 và đường mở ngực 1/2 xương ức phía trên.
Hình 3: Đường mở ngực giữa xương ức




Hình 4: Đường mở nửa xương ức (trái) và đường mở ngực liên sườn 2 (phải)


 Mô tả phẫu thuật:
Trước khi bác sĩ thực hiện phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, giúp bạn ngủ và không có cảm giác đau.
Bạn và gia đình sẽ được tư vấn và chọn cách phẫu thuật phù hợp nhất, những trường hợp nguy cơ phẫu thuật cao, cấu trúc cơ thể không phù hợp hoặc phẫu thuật lại sẽ được thực hiện phẫu thuật kinh điển (đường mở giữa xương ức). Những trường hợp cấu trúc cơ thể thích hợp và mổ lần đầu sẽ được thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn.
Sau khi thực hiện các đường mổ cần thiết, bạn sẽ được kết nối với hệ thống máy tim phổi nhân tạo. Lúc này, tim và phổi của bạn sẽ ngưng hoạt động, và bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp cận van động mạch chủ. Nếu van của bạn hư hại nhiều và không thể sửa chữa, bác sĩ sẽ cắt bỏ van cũ và thay vào 1 van nhân tạo.
Có hai loại van nhân tạo có thể được sử dụng cho bạn: Van cơ học và van sinh học. (Xin xem thêm bài lựa chọn van tim tại đây)
Van cơ học được làm từ hợp kim nhân tạo (titanium và carbon). Loại van này có thời gian tồn tại lâu hơn, giá thành thấp hơn. Tuy nhiên bạn phải uống thuốc kháng đông đến suốt đời để giúp ngăn hình thành cục máu đông làm kẹt van.
Van sinh học được làm từ các vật liệu tự nhiên, thường là màng tim heo hoặc màng tim bò. Loại van này tồn tại trong khoảng từ 10 – 20 năm trong cơ thể người, tùy theo tuổi của bệnh nhân. Tuy giá thành cao hơn và kém bền hơn, lợi thế của van sinh học là sau mổ 3 tháng bạn không còn cần phải uống thuốc kháng đông.





 Hình 4: Van cơ học (trái) và van sinh học (phải)

Nếu bạn có hẹp động mạch vành đi kèm, bác sĩ cũng sẽ thực hiện các cầu nối mạch vành trong cùng 1 lần mổ.
Sau khi kiểm tra van mới thay hoạt động tốt, bác sĩ phẫu thuật sẽ:
- Đóng vết mổ trên động mạch chủ.
- Đặt các ống xung quanh tim để dẫn máu ra ngoài, tránh ứ đọng máu tồn đọng xung quanh tim gây ra tình trạng chèn ép tim cấp, đây là 1 tình trạng cấp cứu rất nặng.
- Khâu các mũi chỉ thép quanh xương ức (phẫu thuật kinh điển) hoặc khâu cơ thành ngực (phẫu thuật ít xâm lấn).

3. Nguy cơ phẫu thuật:
- Chảy máu, có thể phải phẫu thuật lại để cầm máu.
- Nhiễm trùng vết mổ.
- Nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi.
- Nhiễm trùng van tim nhân tạo.
- Rối loạn nhịp, có thể cần đặt máy tạo nhịp.
- Suy thận.
- Tai biến mạch máu  não.
- Nhồi máu cơ tim.
….
Với những tiến bộ ngày nay của phẫu thuật tim và gây mê hồi sức, tỉ lệ tai biến và biến chứng trong phẫu thuật van động mạch chủ đã giảm xuống rất thấp, ở mức < 5%.

4. Sau phẫu thuật:
Sau khi mổ, bạn được chuyển lên khu hồi sức chăm sóc đặc biệt khoảng 1 – 2 ngày nếu mọi thứ ổn định, sau đó bạn sẽ được nằm ở khu chăm sóc hậu phẫu khoảng 5 – 7 ngày và được xuất viện.
Bạn có thể có từ 2 đến 3 ống dẫn lưu ở ngực để dẫn lưu máu ra ngoài, các ống này thường được rút sau 1 – 2 ngày nếu không có chảy máu.
Bạn có thể có một đường truyền tĩnh mạch lớn ở cổ và các đường truyền nhỏ ở tay, chân để truyền dịch, các điều dưỡng sẽ theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của bạn (mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở…).
Bạn sẽ được làm xét nghiệm máu thường xuyên đến khi xuất viện để đảm bảo tim và các cơ quan quan trọng vẫn hoạt động tốt.
Bạn sẽ được đặt 1 hoặc 2 dây điện cực tạm thời để đề phòng những rối loạn nhịp tim nguy hiểm, các dây này sẽ được rút sau 3 – 5 ngày khi nhịp tim của bạn ổn định.
Bạn sẽ được tư vấn tâm lý và hướng dẫn tập vật lý trị liệu hô hấp sau phẫu thuật.
Khi xuất viện, bạn cần khoảng 4 – 6 tuần để hồi phục hoàn toàn (xin tham khảo hướng dẫn bệnh nhân sau phẫu thuật van tim tại đây).

BS. VÕ TUẤN ANH


Comments