Thuốc kháng đông Sintrom và những điều cần biết

1. Đại cương:

Khi thành mạch máu bị tổn thương, máu trong lòng mạch sẽ thoát ra ngoài gây chảy máu, tụ máu. Để cầm máu, cơ thể có một cơ chế phức tạp và hài hòa giữa các yếu tố đông máu để hình thành cục máu đông và bít chỗ tổn thương trên thành mạch. Đây là cơ chế hình thành các cục máu đông có lợi (beneficial blood clot) và là một trong những cơ chế bảo vệ quan trọng nhất của cơ thể. Tuy vậy, nếu cục máu đông hình thành một cách bất thường trong các buồng tim hoặc trong lòng mạch, nó có thể làm tắc các mạch máu tại chỗ hoặc đi đến các mạch máu nhỏ hơn để và gây tắc các mạch máu này, gây ra tai biến mạch máu não (stroke), đột quỵ do tim (heart attack), huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Ở những bệnh nhân có vật liệu nhân tạo có tiếp xúc trực tiếp với máu, đặc biệt là vật liệu nhân tạo trong tim (van tim nhân tạo), cơ chế đông máu bình thường sẽ dẫn đến hình thành các cục máu đông trên các vật liệu này và gây hư hỏng van hoặc gây tắc mạch (như đã đề cập ở trên). Để ngăn ngừa loại máu đông có hại này, các bác sĩ sử dụng thuốc kháng đông. Có nhiều loại thuốc kháng đông được sử dụng với cơ chế hoạt động khác nhau, trong phạm vi nhỏ của 1 bài viết, xin được đề cập đến một trong những thuốc kháng đông được sử dụng rất thường xuyên trong phẫu thuật tim mạch: Thuốc kháng Vitamin K.



Thuốc kháng Vitamin K có nhiều loại, trong đó được sử dụng phổ biến bao gồm Coumadin (Warfarin), Previscan (Fluindione) và Sintrom (Acenocourmarol). Trong đó Sintrom là loại được thường được dùng nhất ở Việt Nam, vì vậy, để tiện theo dõi, từ đây cụm từ “thuốc kháng Vitamin K” sẽ được thay thế bằng Sintrom.



Coumadin (Warfarin) với hàm lượng trên viên thuốc và màu thay đổi theo hàm lượng




2. Sintrom hoạt động thế nào?

Để hình thành cục máu đông hiệu quả, cơ thể cần các yếu tố đông máu (clotting factors), trong đó có một số yếu tố cần Vitamin K để tổng hợp. Thuốc kháng Vitamin K ức chế sự tổng hợp của các yếu tố đông máu này, ngăn chặn sự hình thành và phát triển của cục máu đông có hại cho cơ thể.
Sintrom bắt đầu có tác dụng trong vòng 24 tiếng sau liều đầu tiên và cần khoảng 7 – 10 ngày để có tác dụng đầy đủ.

3. Khi nào người bệnh được chỉ định Sintrom?

Như đã đề cập ở trên, bác sĩ chỉ định Sintrom để ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông có hại cho cơ thể. Vì vậy, Sintrom thường được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
- Rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim).
- Van nhân tạo trong tim.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Thuốc có thể được sử dụng phối hợp với các thuốc kháng đông khác trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử huyết khối trước đó (Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi…).

Van cơ học, một chỉ định quan trọng của Sintrom


4. Uống Sintrom như thế nào?

Sintrom được sử dụng 1 lần trong ngày, thời gian uống thuốc trong ngày không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Tuy vậy, để chắc chắn, người bệnh nên uống Sintrom vào cùng 1 giờ mỗi ngày. Sintrom có thể uống lúc no hoặc đói, và có thể sử dụng uống chung với các loại thuốc khác.
Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không được bỏ hoặc uống hai lần cùng 1 liều lượng. Nếu quên uống thuốc, người bệnh cần uống sớm nhất khi đã nhớ TRONG CÙNG NGÀY, KHÔNG UỐNG GẤP ĐÔI LIỀU CỦA NGÀY HÔM SAU để bù cho ngày hôm trước. Nếu quên thuốc hoặc uống thuốc quá liều, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất có xét nghiệm đông máu để kiểm tra sớm nhất có thể.

5. Xét nghiệm máu:

Vì liều lượng của Sintrom thay đổi ở mỗi bệnh nhân, bác sĩ cần làm xét nghiệm máu hàng ngày trong những ngày đầu uống thuốc để xác định liều cụ thể của từng người. Xét nghiệm được thực hiện được gọi là INR (International Normalized Ratio), được thể hiện bằng một con số cụ thể, nếu INR thấp quá thì tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, ngược lại INR quá cao làm tăng nguy cơ xuất huyết.

 Tùy theo bệnh lý mà bác sĩ quyết định mức độ INR trong giới hạn nào, ví dụ bệnh nhân van hai lá cơ học cần INR từ 2.5 – 3.5, bệnh nhân van động mạch chủ cơ học cần INR từ 2 – 3. Khi INR của người bệnh đã đạt được mục tiêu và ổn định, người bệnh sẽ được thực hiện xét nghiệm INR hàng tháng (ngắn hơn hoặc dài hơn tùy theo trung tâm) để theo dõi định kì nhằm duy trì mức INR đúng mục tiêu.


Máy kiểm tra INR cầm tay


6. Tác dụng phụ của Sintrom:

Gây dị tật thai nhi trong 3 tháng đầu của thai kì. Bệnh nhân đang sử dụng Sintrom mà có thai cần đi khám sớm nhất để được tư vấn cụ thể.

Vì là thuốc kháng đông, tác dụng phụ thường gặp nhất của Sintrom là chảy máu. Tuy vậy, ngay cả ở mức INR mục tiêu, người bệnh vẫn có thể bị chảy máu nhỏ (minor bleeding), các vị trí chảy máu nhỏ bao gồm:

- Chảy máu răng lợi khi đánh răng.
- Chảy máu mũi lượng ít.
- Kinh nguyệt hơi nhiều hơn bình thường.
- Chảy máu ở các vết thương nhỏ ngoài da.

Chảy máu quan trọng (Major bleeding) hiếm gặp hơn nhưng lại là biến chứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhập viện ngay khi có các dấu hiệu sau:

- Thay đổi màu nước tiểu sang đỏ hoặc nâu (xuất huyết đường niệu) hoặc màu phân sang đỏ/đen (xuất huyết tiêu hóa).
- Nôn ói ra máu đỏ hoặc dịch lợn cợn đen (xuất huyết tiêu hóa).
- Ho ra máu hoặc ho ra đàm vướng máu.
- Nhức đầu dữ dội hoặc yếu liệt, hôn mê (xuất huyết não).
- Chảy máu răng lợi hoặc chảy máu mũi nhiều, không cầm.
- Cường kinh và rong kinh kéo dài.

7. Các thuốc cần tránh sử dụng chung với Sintrom:

Đối với thuốc không cần kê đơn, người bệnh cần lưu ý:

- Paracetamol (Efferalgan, Panadol...): Không quá 2000 mg/ngày

- Thuốc cần tránh:
+ Ibuprofen.
+ Naproxen.
+ Aspirin.
+ Thuốc có nguồn gốc thảo dược: Nên tránh, trừ khi được bác sĩ kê toa:
     + Nhân sâm.
     + Gingko biloba.
     + Dầu cá.
     + Acid béo Omega 3.

8. Chế độ ăn cho người sử dụng Sintrom:

- Bên cạnh các thuốc nêu trên, thức ăn cũng có thể thay đổi tác dụng của Sintrom, vì trong thức ăn có Vitamin K. Cần một chế độ ăn hợp lý và được kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của thức ăn đối với chỉ số INR. Người bệnh cần giữ chế độ ăn không thay đổi, không nhất thiết phải dừng các món ăn có chứa vitamin K, ví dụ nếu người bệnh ăn mỗi ngày 1 chén canh rau xanh thì cần duy trì mỗi ngày, không thay đổi thói quen.

- Lượng bia rượu nên uống mỗi ngày: 350 ml bia, 120 ml rượu vang, 45 ml rượu mạnh.

- Các loại thức ăn giàu Vitamin K:
Măng tây (asparagus), bơ, bông cải xanh (broccoli), bắp cải, các loại rau xanh, rong biển, các loại đậu, hành lá, mù tạt, trà xanh, xoài...



9. Kết luận:

Thuốc kháng Vitamin K (Sintrom tại Việt Nam) là một trong những loại thuốc quan trọng được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong phẫu thuật van tim. Tác dụng của thuốc thay đổi theo từng bệnh nhân, được theo dõi bằng chỉ số INR và bị ảnh hưởng khá nhiều bởi chế độ ăn. Sử dụng thuốc liều quá thấp hoặc quá cao đều có thể gây ra những tác hại, đôi khi rất lớn đối với bệnh nhân. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng thuốc được bác sĩ kê toa, nếu quên uống hoặc uống quá liều cần đi khám sớm tại cơ sở y tế để được xử trí phù hợp.

BS VÕ TUẤN ANH


Comments