BỆNH LÝ VAN ĐỘNG MẠCH CHỦ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

1. ĐẠI CƯƠNG:

Tim là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể, có 4 buồng và được chia thành hai bên, tim bên trái giúp bơm máu giàu Oxy (máu động mạch) đi nuôi các cơ quan và tim bên phải bơm máu nghèo Oxy (máu tĩnh mạch) lên phổi để trao đổi khí. Để đảm bảo giòng máu đi theo một chiều nhất định, tim có chứa các van chống trào ngược, mỗi bên của tim có 2 van. Tim trái có van hai lá và van động mạch chủ, tim phải có van 3 lá và van động mạch phổi.

Hình 1: Bốn buồng tim, chia thành bên phải và bên trái

Van động mạch chủ ngăn cách giữa động mạch chủ và tâm thất trái, được ví như cửa ra vào của tim, khi van mở (tâm thu) sẽ cho phép dòng máu dễ dàng đi nuôi cơ thể, khi van đóng (tâm trương) dòng máu sẽ không bị trào ngược trở lại. Bình thường van động mạch chủ có 3 lá, đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động của tim.

Hình 2: Van động mạch chủ đóng (tâm trương) và mở (tâm thu)



2. BỆNH LÝ VAN ĐỘNG MẠCH CHỦ:

Vì chức năng của van là mở giúp máu dễ dàng đi qua và đóng kín để chống trào ngược nên bệnh van động mạch chủ bao gồm hai hình thái:


-  Hẹp van động mạch chủ: Van động mạch chủ mở khó khăn, làm cho tim phải dùng sức nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể.

Hở van động mạch chủ: Van động mạch chủ đóng không kín trong thời kì tâm trương, làm một lượng máu nhất định trong động mạch chủ trào ngược về tâm thất trái.

- Vừa hẹp vừa hở van động mạch chủ.


2.1. Triệu chứng và nguyên nhân:

Van động mạch chủ có thể bị bất thường bẩm sinh hoặc bị tổn thương sau khi sinh (mắc phải). Trong bệnh van động mạch chủ mắc phải, có bệnh van do thoái hóa (ở người già) và bệnh van do nguyên nhân hậu thấp (gặp ở người trẻ).





Hình 3: Lần lượt theo thứ tự: Van động mạch chủ bình thường, van động mạch chủ thoái hóa và van động mạch chủ hậu thấp (hình dưới)


Bệnh van động chủ bẩm sinh thường gặp nhất là van động mạch chủ hai mảnh (bicuspid aortic valve), lúc này, thay vì có 3 mảnh như bình thường, van động mạch chủ chỉ còn hai mảnh, vì vậy hoạt động của van sẽ bị ảnh hưởng. Tuy xuất hiện trước khi sinh ra, triệu chứng của bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn trưởng thành Đặc biệt, van động mạch chủ hai mảnh thường đi kèm với bệnh giãn, phình động mạch chủ ngực lên, một bệnh lý có khả năng gây đột tử ở người trẻ.


Hình 4: Van động mạch chủ hai mảnh vôi hóa


Bệnh van động mạch chủ mắc phải thường gặp ở Việt Nam cho đến hiện nay vẫn là bệnh van hậu thấp, đây là quá trình tự miễn dịch phá hủy mô van trong một thời gian dài (hàng chục năm), hậu quả của 1 đợt nhiễm liên cầu khuẩn khi còn nhỏ và không được điều trị triệt để.

Ở các nước phương tây hiện nay, bệnh van hậu thấp đã gần như đi vào lịch sử, thay vào đó là bệnh van thoái hóa, xuất hiện ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi, do van đã sử dụng nhiều năm và bắt đầu hư hại dần (cũng như các cơ quan khác trong cơ thể).

Triệu chứng chính của bệnh thường là khó thở khi gắng sức, khi bệnh diễn tiến nặng hơn thì khả năng gắng sức cũng giảm dần, ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể khó thở ngay khi nghỉ ngơi và phải nằm đầu cao mới chịu được. Các triệu chứng khác bao gồm đau ngực, chóng mặt, ngất, phù chân… Chóng mặt và ngất diễn ra khi lượng máu bơm ra không đủ gây thiếu máu não thoáng qua.

2.2. Chẩn đoán bệnh van động mạch chủ:

Siêu âm tim (qua thành ngực) là xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, không xâm lấn và cho kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao.


Hình 5: Hẹp van động mạch chủ trên siêu âm


Bên cạnh đó, cần các xét nghiệm hỗ trợ khác như điện tâm đồ (ECG), chụp X quang ngực, xét nghiệm máu…

2.3. Điều trị bệnh lý động mạch chủ:

Điều trị chính cho đến hiện nay là thay van động mạch chủ, với một số trường hợp tổn thương đơn giản, có thể sửa và giữ lại van tự nhiên.   


Hình 6: Phẫu thuật thay van động mạch chủ (cơ học)


Hình 7: Phẫu thuật sửa van động mạch chủ


Có hai loại van đang được sử dụng hiện nay để thay cho bệnh nhân: Van cơ học và van sinh học (xin xem bài so sánh giữa hai loại van này tại đây). Bên cạnh đó, đối với các bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật cao (lớn tuổi, nhiều bệnh đi kèm), bệnh nhân có thể được can thiệp thay van qua da (Transcatheter Aortic Valve Replacement – TAVR), đây là phương pháp mới và hứa hẹn, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả theo dõi lâu dài về tử vong và biến chứng.


Hình 8: Van cơ học (trái) và van sinh học (phải)


Hình 9: Thay van động mạch chủ qua da (TAVR)


Để tiếp cận và thay van động mạch chủ, hiện nay nhà phẫu thuật tim đang có xu hướng thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn hơn với các đường tiếp cận nhỏ, nhằm làm giảm đau đớn cho bệnh nhân, giảm thời gian nằm viện và có tính thẩm mỹ cao hơn (xem thêm tại đây)


Hình 10: Đường mổ kinh điển so với đường mổ ít xâm lấn



2.4. Hồi phục sau mổ:

Hiện nay, phẫu thuật thay van động mạch chủ có tỉ lệ tử vong và tỉ lệ biến chứng rất thấp, tuy vậy, các biến chứng nếu có bao gồm chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, loạn nhịp tim (block nhĩ thất), tai biến mạch máu não, tắc các lỗ mạch vành…


Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được chăm sóc hồi sức 1 – 2 ngày nếu không có biến chứng và thường xuất viện sau 5 - 7 ngày. Khi mổ xong, loại thuốc quan trọng nhất mà bệnh nhân sử dụng là thuốc kháng đông, tùy theo loại van mà thời gian sử dụng kháng đông có thể là 6 tháng (van sinh học) hoặc vĩnh viễn (van cơ học). 

BS. VÕ TUẤN ANH

Comments